x
Pop-up
...

CHỢ TÌNH KHAU VAI (HÀ GIANG) - HỒI ỨC VỀ NHỮNG ĐIỀU DANG DỞ

Link hay button
CHỢ TÌNH KHAU VAI (HÀ GIANG) - HỒI ỨC VỀ NHỮNG ĐIỀU DANG DỞ


Tình yêu luôn là một chủ đề thú vị, nó là khởi nguồn cho mọi cung bậc cảm xúc hỷ-nộ-ái-ố. Có những mối tình suôn sẻ, hai người tìm thấy nhau và nắm tay nhau đi đến hết cuộc đời. Nhưng cũng có những mối tình vì một lý do nào đó mà đôi lứa dang dở, bỏ lại sau lưng bao ước mơ, tình cảm. Sau này khi đã yên bề gia thất bên người khác, họ chỉ còn biết nuối tiếc qua các câu chuyện tại chợ tình Khau Vai - phiên chợ mà bất cứ ai du lịch Hà Giang đều muốn đặt chân đến một lần, kể cả Việt Queen Travel.


Vài nét về chợ tình Khau Vai

Chợ tình Khau Vai là lễ hội nằm ở cuối còn đường đèo thuộc địa phận xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, cách thành phố Hà Giang 180km về phía Đông. “Khau Vai” có nghĩa là song mây, ám chỉ sự gắn bó của đôi lứa như cây song, cây mây mọc trên vùng núi cao. Nhiều văn bản đã ghi lệch thành Khâu Vai hay thậm chí khách du lịch Hà Giang từ Hà Nội còn ví von rằng đây là phiên chợ Phong Lưu trên rẻo cao.

Mỗi năm một lần cứ tới ngày 27 tháng 3 âm lịch là gái làng trên, trai bản dưới lại nô nức đến phiên chợ có lịch sử gần 100 năm để gặp gỡ giao duyên cùng nhau. Theo một số ghi chép thì chợ có từ những năm 1919, nhưng ngay cả những người nhiều tuổi nhất cũng không biết chính xác chợ bắt đầu từ khi nào, chỉ biết từ khi mới lọt lòng thì chợ đã có rồi.

Nguồn gốc chợ tình Khau Vai

Truyền thuyết kể rằng ngày xưa ở vùng này có nàng Út người Giáy và chàng Ba người Nùng đem lòng yêu nhau say đắm. Thế nhưng tình yêu này bị nhà gái phản đối kịch liệt bởi vì khác dân tộc nên không cùng con ma, không giống nhau về phong tục tập quán. Hơn nữa nàng Út xuất thân từ gia đình tộc trưởng còn chàng Ba chỉ là một thanh niên con nhà nghèo, khiến mối tình càng đi vào ngõ cụt.

Lâm vào bước đường cùng, chàng và nàng đành phải đưa nhau đi trốn ở hang núi Khau Vai. Đàng gái thấy vậy liền mang cung nỏ, súng kíp sang nhà trai chửi. Đàng trai cũng không vừa, lôi gậy gộc, dao kiếm sang để mắng. Chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy, cả hai người đều không đành lòng nên quyết định chia tay nhau với lời hẹn kiếp sau sẽ nên duyên vợ chồng.

Trước khi chia tay, họ cắt máu thề rằng dù không lấy được nhau nhưng hằng năm cứ đến ngày 27 tháng 3 âm lịch sẽ lên Khau Vai kể chuyện cuộc sống, những tâm sự ấp ủ trong suốt một năm xa nhau, ôn lại tình cảm xưa và hát cho nhau nghe… và hôm sau lại trở về với gia đình, với cuộc sống riêng của mỗi người. Người dân vì thế mà lấy ngày này để làm ngày họp chợ.


Ngày cuối cùng cuộc đời, họ lại tìm đến gốc cây thề ước năm nào để ôm chặt nhau rồi cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Trùng hợp thay, ngày họ mất cũng đúng vào ngày 27 tháng 3 âm lịch - cái này mà họ phải đưa ra quyết định đau lòng để quay về với bộ lạc của mình. Để tưởng nhớ về mối tình Khau Vai, dân làng đã lập “miếu Ông” và “miếu Bà” tại ngay nơi họ mất.


Các hoạt động tại chợ tình Khau Vai

Chợ tình Khau Vai ban đầu không có người mua-kẻ bán hàng hóa mà chỉ có một vài quầy đồ ăn nhỏ cung cấp thực phẩm cho người về tham dự lễ hội. Các cặp đôi dù đã có vợ có chồng nhưng ngày hò hẹn trong phiên chợ tình không hề có sự ghen tuông khi vợ (chồng) mình đi gặp người cũ. Đây là nét đẹp nhân văn của phiên chợ vùng cao mà khách du lịch Hà Giang giá rẻ nào cũng muốn tới trải nghiệm.

Hiện nay chợ còn được tổ chức như một lễ hội để bày tỏ lòng biết ơn với những người đã khai phá ra mảnh đất Khau Vai đồng thời tôn vinh tình yêu đôi lứa. Mở màn là lễ dâng hương tại miếu Ông và miếu Bà để tỏ lòng cảm phục về tình cảm của chàng Ba dành cho nàng Út. Đồ lễ liên quan tới số 27 như lợn 27kg, gà 2,7kg… Con số 27 còn tượng trưng cho sức mạnh, ấm no, hạnh phúc trong nghi lễ Đạo Lão.

Tiếp theo là phần Hội với các chương trình mà khách đi tour Hà Giang 3 ngày 2 đêm có thể tham gia như: gánh nước bằng ống tre, tung còn giao duyên, ném Pao hay trải nghiệm cưỡi ngựa về với người cũ trên con đường tình yêu… Ngoài ra du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản Hà Giang như thắng cố, rượu ngô, mèn mén, lạp xưởng gác bếp, thắng dền, cháo ấu tẩu…


Hiện nay, chợ tình Khau Vai đã dần trở nên thương mại hóa khiến nó bị mất đi vẻ mộc mạc giản dị của người dân vùng cao. Tuy nhiên không thể phủ nhận được những giá trị mà lễ hội này mang lại khi giúp cho nhiều khách du lịch Hà Giang tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hóa của bản làng… Hy vọng rằng những thông tin mà Việt Queen Travel đem lại sẽ giúp các bạn có một góc nhìn mới về một Hà Giang, nơi mới chỉ được biết tới với vẻ hùng vĩ của mình.

(Bài viết có sử dụng nguồn ảnh trên Internet, nếu bạn là chủ sở hữu vui lòng liên hệ với chúng tôi)

Bài viết liên quan

ˆ