x
Pop-up
...

LÀNG LỤA VẠN PHÚC - NƠI LƯU GIỮ LINH HỒN CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC

Link hay button
LÀNG LỤA VẠN PHÚC - NƠI LƯU GIỮ LINH HỒN CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC


Khi nhắc đến các làng nghề cổ truyền của Hà Nội, sẽ là một sự thiếu sót lớn nếu bỏ qua làng lụa Vạn Phúc -  thương hiệu đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những tinh hoa của văn hóa dân tộc mà còn là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hãy cùng khám phá vẻ đẹp của làng nghề có niên đại trên 1000 năm này với Việt Queen Travel nhé.


Làng lụa Vạn Phúc ở đâu? Đi bằng phương tiện gì là tiện nhất?

Cách trung tâm hơn 10km, làng lụa Vạn Phúc (làng lụa Hà Đông) thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Là biểu tượng của Hà Đông nên cổng làng được thiết kế khá cầu kỳ với nguyên liệu chủ yếu là gạch đỏ bắt mắt nhưng vẫn đảm bảo sự vững chãi và giữ nguyên những nét cổ xưa. Hành trình tìm về với cội nguồn của mỗi người sẽ bắt đầu kể từ khi bạn bước qua cánh cổng đó.


Nếu đi xe máy thì sẽ theo trục: Trung tâm thành phố - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Còn nếu chưa thông thạo đường phố ở Hà Nội thì các bạn có thể đi bằng xe bus, vừa an toàn lại không bị bụi bẩn. Có rất nhiều tuyến: 07, 09A, 13, 14, 68…, tùy vào vị trí của mình mà chọn xe cho hợp lý nhé.

Đường thủy: Tour du lịch sông Hồng 1 ngày sẽ là một lựa chọn không tồi nếu như bạn muốn trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sông nước khi tới làng lụa Vạn Phúc (tham khảo chi tiết tại đây).


Gìn giữ và phát triển những giá trị lâu đời của dân tộc

Trải qua biết bao thăng trầm, khung dệt cổ vẫn được lưu giữ bên cạnh các khung dệt cơ khí để nhắc nhở cho thế hệ sau về quá khứ huy hoàng của làng nghề. Theo sử sách ghi lại thì làng nghề ra đời cách đây 1200 năm, do bà A Lã Thị Nương - người con gái gốc Cao Bằng xinh đẹp đã truyền lại nghề dệt cho dân làng. Cảm kích trước những đóng góp to lớn ấy nên sau khi mất, bà được phong làm Thành Hoàng Làng.


Không phải ngẫu nhiên mà lụa Hà Đông được giới thiệu ra thế giới tại Marseille năm 1931 và tại Paris năm 1938. Để tạo ra những miếng lụa chất lượng bán trên thị trường, những người thợ tài ba phải tuân thủ quy trình tốn nhiều tâm huyết: kéo kén, guồng tơ, mắc cửi, nối cửi, sau đó tới công đoạn dệt và nhuộm… Mỗi công đoạn đều phải được làm rất tỉ mẩn, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ thì khi dệt sẽ hỏng cả tấm lụa.

Khi đến đây, nếu cảm thấy không thích thú với những mẫu được sản xuất đại trà bạn có thể yêu cầu nghệ nhân làm cho mình một sản phẩm riêng không đụng hàng theo sở thích của bạn. Những miếng lụa vừa có chất lượng tốt vừa có độ hoàn hảo tới từng đường nét dưới bàn tay tài ba của các nghệ nhân chắc chắn sẽ không làm cho bạn thất vọng.

Nếu ngày xưa lụa chỉ để sản xuất những chiếc áo dài hay áo sơ mi thì ngày nay còn được dùng để may váy vóc, khoăn choàng với đủ loại mẫu mã. Với chất liệu chủ đạo là lụa, được kết hợp với những nguyên liệu mới để có thể tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh và bắt kịp với xu thế thời trang cả trong nước cũng như thế giới.

Ngôi chùa Vạn Phúc yên bình ở chốn đô thị phồn hoa

Nằm bên bờ Nhuệ Giang, đây là một trong số ít những làng nghề cổ vẫn còn giữ được những nét mộc mạc của làng quê Việt Nam với cây đa giếng nước sân đình. Lụa Hà Đông từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận từ thơ ca cho đến các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng khiến cho nơi đây luôn nằm top điểm đến của khách du lịch bốn phương.


Ngôi chùa có lối kiến trúc cổ kính với những chi tiết được chế tác tinh xảo nhuốm màu của thời gian như càng làm tôn lên nét rêu phong cổ kính. Khoảng sân rộng với gam màu trầm được bài trí thêm bằng những chậu cây xanh kết hợp với tiếng gõ mõ tụng kinh khiến khung cảnh trở nên an nhiên vô cùng. Chẳng ngờ rằng bước qua cánh cổng làng kia lại là cuộc sống xô bồ với tiếng còi xe và khói bụi mịt mù.


Nếu không trực tiếp đặt chân tới đây thì khó có thể tưởng tượng ở chốn đô thị phồn hoa lại có nơi tĩnh tâm trong lành đến thế. Khách du lịch đến đây như trút bỏ được những mệt mỏi để có thể trở lại trạng thái tĩnh tâm cân bằng trong cuộc sống. Có lẽ vì lý do này nên chẳng cần phải là lễ hội mà những phật tử thường hay lui tới đây hoặc đền Chử Đồng Tử để tìm sự binh yên trong tâm hồn.

Đến làng lụa Vạn Phúc vào thời gian nào là đẹp nhất

Từ cuối tháng 5 cũng là mùa sen đua nở, các bạn có thể tới thăm làng nghề cùng với một “nháy” xịn để lưu lại những khoảnh khắc đẹp cùng hoa. Đi vào cuối năm khoảng tháng 11 cũng là một lựa chọn không tồi, bởi thời gian này trùng với tuần lễ quảng bá văn hóa làng nghề Vạn Phúc nên sẽ có nhiều hoạt động để các bạn khám phá như phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, giao lưu văn hóa các làng nghề… Hơn nữa khung cảnh sẽ được bài trí đẹp hơn ngày thường nên hỡi các tín đồ sống ảo, tới check in ngay đi còn chần chừ gì nữa.



Khép lại hành trình khám phá làng nghê cổ với những trải nghiệm hết sức thú vị giúp bản thân vượt ra khỏi ranh giới của sự hiểu biết và chạm tới những tinh hoa của văn hóa dân tộc. Làng lụa Vạn Phúc sẽ mãi là niềm tự hào với mỗi người chúng ta và là cầu nối để truyền bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bài viết liên quan

ˆ